Quá trình mọc răng sữa của trẻ

Bố mẹ có bao giờ băn khoăn tự hỏi quá trình mọc răng sữa của trẻ diễn ra như thế nào? Những dấu hiệu nào cho thấy những chiếc răng xinh của con đang nhú lên khỏi lợi? Hay có thể làm gì để giảm bớt những khó chịu của trẻ trong giai đoạn mọc răng này? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về quá trình mọc răng của trẻ để giúp bố mẹ có thể hiểu rõ hơn về quá trình này của con mình.

Bé bao nhiêu tháng tuổi bắt đầu mọc răng sữa

Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên của bé được trồi lên khỏi nướu khi đến tuổi mọc răng. Những chiếc răng sữa đánh dấu bước phát triển mới của bé, bé có thể ăn được nhiều món hơn, thú vị hơn trong quá trình khám phá thức ăn.

Thứ tự mọc răng của các trẻ thường có điểm chung về mặt thời gian. Các báo cáo gần đây cho thấy rằng răng của trẻ thường mọc khi trẻ được khoảng 7 tháng tuổi. Trên thực tế, có sự khác biệt lớn giữa các trẻ trong khoảng từ 4 tháng tuổi đến gần 1 tuổi. Quá trình mọc răng sữa của bé kết thúc khi bé 3 tuổi hoặc có thể trễ hơn tuỳ vào cơ địa mỗi bé. Sau đó, những chiếc răng sữa bắt đầu rụng dần đi để thay thế bằng răng vĩnh viễn

 

Thứ tự mọc răng cơ bản của trẻ

Đa số các trẻ sẽ mọc răng sữa khi được khoảng 4-7 tháng tuổi và mọc đủ 20 chiếc răng sữa trong khoảng từ 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi. Cụ thể:

  • 2 răng cửa giữa ở hàm dưới và 2 răng cửa giữa ở hàm trên sẽ lần lượt bắt đầu mọc khi trẻ được khoảng 5-8 tháng tuổi.
  • 4 răng cửa bên ở cả 2 hàm: 7-10 tháng tuổi
  • Răng hàm đầu tiên (4 chiếc ở cả 2 hàm): 12-16 tháng tuổi
  • 4 cái răng nanh: 14-20 tháng tuổi
  • Răng hàm thứ 2 (4 chiếc ở cả 2 hàm): 20-32 tháng tuổi

 

Dấu hiệu khi sắp mọc răng sữa của trẻ

 

 

Khi chuẩn bị mọc răng sữa, trẻ thường có những biểu hiện dưới đây:

  • Ngứa lợi (nướu): Trẻ thường xuyên nghiến lợi để làm giảm áp lực đang tăng lên từ phía bên trong. Trẻ rất muốn cho tay vào miệng để ngậm, mút hoặc cầm bất cứ vật gì cho vào miệng để nhai, cắn. Tại chỗ răng đang nhú lên có thể sưng đỏ và bắt đầu nứt khiến trẻ rất khó chịu.
  • Chảy dãi nhiều: việc nghiến lợi, nhai, cắn….thường xuyên sẽ kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, khiến trẻ chảy dãi nhiều hơn bình thường.
  • Khó chịu: trẻ quấy khóc nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào ban đêm
  • Giảm cảm giác ngon miệng: trẻ sẽ bú hoặc ăn ít đi do không cảm thấy sữa hay đồ ăn ngon miệng như mọi khi.

Mặc dù mỗi lần mọc răng, các triệu chứng trên của trẻ chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày là hết, nhưng quá trình mọc răng của trẻ thực sự đã bắt đầu từ trước đó rất lâu.

 

Trẻ bắt đầu mọc răng từ khi còn trong bụng mẹ

Trong khoảng tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, mầm răng của trẻ đã bắt đầu hình thành và nằm ẩn dưới lớp nướu của thai nhi. Kể từ đó, mầm răng cứ thế phát triển và đến một thời điểm nhất định nó sẽ trồi lên trên hẳn lớp nướu.

 

Mẹ có biết “Quá trình mọc răng hàm thường đau hơn răng cửa”

Thường 2 răng cửa giữa hàm dưới của trẻ sẽ mọc trước, tiếp đến là 4 răng cửa phía trên. Những chiếc răng này thường có thân mảnh và trượt qua lại giữa hàm trên và hàm dưới khá dễ dàng, giúp trẻ cắt nhỏ thức ăn một phần. Những triệu chứng mọc răng cửa nói chung sẽ diễn ra nhanh và dễ chịu hơn là khi trẻ mọc răng hàm.

Trong khoảng thời gian xung quanh 1 tuổi, những chiếc răng hàm đầu tiên sẽ mọc lên bên cạnh những chiếc răng sữa. Do kích thước răng hàm thường to, rộng nên sẽ gây nhiều đau đớn hơn cho trẻ khi mọc.

 

Cách chăm sóc trẻ khi mọc răng sữa

Mọc răng sữa sẽ có thể khiến trẻ gặp một vài dấu hiệu khó chịu ở trên, gây nên một vài xáo trộn nhỏ trong sinh hoạt là điều bình thường. Dưới đây là một vài lưu ý cho mẹ khi chăm sóc trẻ giai đoạn này để trẻ thoải mái, dễ chịu hơn:

  • Chuẩn bị những đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu cho trẻ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Nếu trẻ không thích thì không nên cố ép trẻ ăn. Dùng tay mát xa nhẹ nướu răng của trẻ để giảm đau nhức. Tuy nhiên, mẹ nên rửa sạch tay trước khi làm để tránh nhiễm khuẩn cho con.
  • Giảm nhẹ cơn đau của trẻ bằng việc khiến trẻ thu hút vào những hoạt động khác mà trẻ thường hứng thú hàng ngày.
  • Khi trẻ không vui hoặc không thể ngừng khóc, có thể đưa cho trẻ gặm nướu để giúp trẻ bình tĩnh hơn. Nếu nướu bị sưng, hãy làm mát gặm nướu, lau bằng gạc hoặc khăn lạnh. Có một cách nữa là nhẹ nhàng chải nướu cho trẻ.

 

Bí quyết để trẻ có một hàm răng sạch đẹp

 

 

Hãy chăm sóc nướu của con kể từ khi con chưa mọc răng. Ngay cả khi trẻ chưa mọc răng, mẹ hãy làm sạch nướu cho con sau khi ăn bằng việc thấm chút nước vòi sạch hoặc nước muối sinh lý vào miếng gạc bọc quanh ngón trỏ và nhẹ nhàng vệ sinh cho trẻ.

Khi trẻ được 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, mẹ hãy dùng kem đánh răng có chứa floride để vệ sinh răng miệng cho con.

Hãy chăm sóc ngay từ bây giờ để con yêu có được một hàm răng đẹp và nụ cười xinh mẹ nhé!.

BABY MOM WORLD - THẾ GIỚI CỦA MẸ VÀ BÉ


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng