Những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Phần lớn các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm tính mạng, nhưng bố mẹ cần nhận biết và chủ động xử lý kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.

1. Bệnh liên quan đến hô hấp

1.1. Cảm lạnh

  • Triệu chứng: Thở khó, khò khè, thường xuyên hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Nguyên nhân: Cảm lạnh, dị ứng do thời tiết hoặc virus, bụi bẩn;
  • Điều trị: Vệ sinh sạch sẽ và mặc đủ ấm cho trẻ. Xoa dầu em bé vào lòng bàn chân, cho trẻ bú mẹ nhiều. Nếu có dịch mũi cần phải hút sạch, để trẻ nằm cao đầu khi ngủ để tránh nước mũi chảy ngược vào trong.

 

1.2. Nấc cụt

  • Triệu chứng: Gặp nhiều khi trẻ mới chào đời, nấc liên tục, tần suất khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần 3 phút;
  • Nguyên nhân: Cơ hoành co thắt không tự chủ và ngắt quãng khiến khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng lại;
  • Cách xử lý: Không đợi trẻ quá đói mới cho ăn, cũng không cho bú quá no. Sau khi ăn, nên bế trẻ cao đầu để dễ tiêu hóa. Cho bé bú sữa mẹ cũng là một cách chữa nấc hiệu quả. Nếu thấy trẻ nấc cụt lâu, có dấu hiệu mệt mỏi thì cần đưa đến bệnh viện.

 

1.3. Nhiễm trùng đường hô hấp

  • Triệu chứng: Sốt, ho, sổ / nghẹt mũi, khò khè. Nếu nặng có thể thở gấp, sốt cao, co giật, tím tái;
  • Nguyên nhân: Do nhiễm lạnh, ô nhiễm không khí hoặc bị lây nhiễm từ người khác;
  • Điều trị: Cho bé bú mẹ và đưa đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc.

 

1.4. Viêm phổi

Không chỉ là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinhviêm phổi còn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.

  • Biểu hiện: Không có dấu hiệu đặc biệt ở giai đoạn đầu. Về sau trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt dù đã ủ ấm, li bì, thở nhanh hoặc khó thở;
  • Cách phòng bệnh: Giữ ấm cho bé, bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng, giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm vi khuẩn;
  • Điều trị: Chống suy hô hấp và chống nhiễm trùng tùy theo mức độ suy thở tại bệnh viện.

 

Trẻ sơ sinh viêm phổi không xác định dùng thuốc 03 ngày không khỏi cần làm gì

Không chỉ là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, viêm phổi còn là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi

 

2. Các bệnh ngoài da

Da trẻ sơ sinh rất mỏng và yếu, chỉ cần một tác động nhẹ cũng có thể gây ra các vấn đề bất thường.

2.1. Vàng da

Căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh này được chia thành 2 loại:

  • Vàng da sinh lý

Vàng da ở mặt, ngực, tay và chân 2 - 3 ngày sau sinh, phân cũng vàng, nhưng trẻ vẫn bú và ngủ tốt. Nguyên nhân thường là do tích tụ quá nhiều bilirubin hơn mức cơ thể đào thải. Vàng da sinh lý rất phổ biến, gặp ở hầu hết các trẻ sơ sinh.

  • Vàng da bệnh lý

Tăng nhiều vùng da bị vàng, bé đi phân bạc màu, có thể kèm lá lách to. Các nguyên nhân khác nhau bao gồm: tán huyết, bệnh gan, tắc mật, nhiễm trùng. Nếu tình trạng vàng da bệnh lý không chấm dứt sau 3 ngày thì phải đưa trẻ đến bệnh viện.

 

2.2. Mụn sữa

  • Triệu chứng: Hiếm gặp ở trẻ vừa chào đời, nhưng sẽ xuất hiện vài tuần sau đó. Mụn nhỏ mọc nhiều ở má, trán, cằm và lưng, vùng da xung quanh tấy đỏ. Mụn tăng khi cơ thể bé nóng hoặc tiếp xúc với nước dãi, hóa chất;
  • Nguyên nhân: Do da trẻ mỏng và yếu, ảnh hưởng từ các hormone của mẹ hoặc hội chứng phì đại tuyến bã;
  • Cách xử lý: Hàng ngày tắm cho bé bằng nước sạch, đun sôi để nguội và sữa tắm dịu nhẹ của trẻ sơ sinh. Sau khi tắm dùng khăn xô mềm lau khô người. Nếu mụn sữa không chấm dứt sau 3 tháng thì cần đến bác sĩ kiểm tra.

 

2.3. Viêm da tiết bã

Đây cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, dân gian hay gọi là “cứt trâu”.

  • Triệu chứng: Những vảy nhờn dính, tập trung nhiều trên đỉnh đầu hoặc mông, xuất hiện ở trẻ 2 tuần tuổi trở đi;
  • Nguyên nhân: Do gen di truyền, môi trường ẩm ướt, hoặc tăng phản ứng viêm với vi nấm Malassezia furfur;
  • Cách xử lý: Gội đầu cho trẻ mỗi khi tắm, có thể bôi thêm dầu khoáng em bé. Thông thương sau 8 - 12 tháng thì các vảy “cứt trâu” sẽ tự biến mất.

 

Viêm da tiết bã (cứt trâu trên đầu trẻ sơ sinh)

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể do gen, môi trường ẩm ướt hoặc phản ứng viêm với vi nấm

 

2.4. Chàm Eczema

  • Triệu chứng: Da khô, đỏ từng mảng, ngứa, mụn nước, kích ứng khi tiếp xúc với nước bọt hoặc các chất tẩy rửa. Chàm xuất hiện nhiều ở mặt, đầu, tay và chân, sau đó lan khắp cơ thể;
  • Nguyên nhân: Do di truyền, tăng tiết bã nhờn, hoặc môi trường tiếp xúc nhiều với bụi bẩn, lông chó mèo, hóa chất...
  • Xử lý: Cho trẻ chơi ở nơi sạch sẽ, thoáng mát. Mỗi ngày đều phải tắm và bôi dưỡng ẩm 2 - 3 lần. Nếu da bị trầy xước hoặc có mủ thì phải đưa trẻ đến bệnh viện.

 

2.5. Rôm sảy

Đây là một trong các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh vào mùa hè:

  • Triệu chứng: Mụn nước li ti ở mặt, cánh tay, lưng, cổ;
  • Nguyên nhân: Trẻ tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát hết.

Rôm sảy sẽ tự khỏi khi trẻ được vệ sinh sạch sẽ và mặc quần áo khô thoáng.

 

2.6. Hăm tã

Cùng với sự phổ biến của tã giấy, thì hăm tã cũng đã trở thành một trong các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

  • Triệu chứng: Nhiều cấp độ, từ vết ửng đỏ, đến rộp nước ở vùng mông và bẹn, khiến trẻ rất đau đớn;
  • Nguyên nhân: Dùng tã quá nhiều, quá chật, kém vệ sinh;
  • Xử lý: Hạn chế dùng tã, giữ cho vùng mông và bẹn của bé khô thoáng.

Ngoài ra, một số bệnh ngoài da khác cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm: phát ban, viêm da, da tái nhợt,...

 

Hăm tã ở trẻ em: Nguyên nhân, hướng dẫn xử trí

Hăm tã là một trong số các bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh

 

3. Những vấn đề về tiêu hóa

Dù chỉ bú sữa mẹ, nhưng hệ tiêu hóa non nớt của trẻ vẫn có thể mắc một số vấn đề như:

3.1. Nôn trớ, sặc

  • Triệu chứng: Thường gặp trong vài tháng đầu, trẻ sau khi bú mẹ sẽ trớ ra sữa màu trắng, vàng hoặc vón cục;
  • Nguyên nhân: Cho bé bú sai tư thế, nằm ngay sau khi vừa bú xong, bú quá nhiều. Có trường hợp là do bệnh lý như dị tật đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp trên, nhu động ruột kém...
  • Cách xử lý: Cho trẻ nằm nghiêng khi nôn trớ và sơ cứu nếu bị sặc. Tham khảo hướng dẫn cho trẻ bú đúng cách.

 

3.2. Tiêu chảy

Tiêu chảy tuy là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng không thể coi thường.

  • Triệu chứng: Bé đi ngoài nhiều hơn bình thường, phân lỏng và có mùi tanh, đôi khi có máu trong phân;
  • Nguyên nhân: Chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú có nhiều món tính hàn hoặc trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa;
  • Xử lý: Mẹ không ăn nhiều hải sản trong thời gian cho con bú. Cho bé bú mẹ nhiều hơn để bù đắp lượng nước mất đi khi tiêu chảy. Nếu bé tiêu chảy 2 ngày không khỏi thì cần đến bệnh viện ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Cần phân biệt tiêu chảy với hiện tượng đi ngoài nhiều (phân su màu xanh đậm, không mùi) trong 6 - 12 giờ sau sinh và đi nặng 2 - 3 lần/ngày, đi nhẹ có thể hơn 10 lần khi được bú mẹ. Đây là một hiện tượng bình thường, không phải bệnh lý.

 

3.3. Táo bón

  • Triệu chứng: Hơn 1 ngày mới đi nặng 1 lần, phân rắn, bé phải tốn nhiều sức rặn;
  • Nguyên nhân: Do mẹ cho con bú ăn nhiều đồ cay nóng hoặc trẻ dùng sữa công thức không phù hợp;
  • Xử lý: Mẹ tăng cường ăn chất xơ (rau xanh, củ quả), cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu phải dùng sữa ngoài, phải chọn loại mát.

 

Táo bón

 

4. Các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh khác

4.1. Tưa lưỡi

  • Triệu chứng: Lưỡi xuất hiện các mảng trắng hoặc vết loét nhỏ khiến trẻ biếng ăn, bỏ bú. Khi các vết tưa lưỡi lan sang niêm mạc má, vòm miệng sẽ gây đau đớn;
  • Nguyên nhân: Nhiễm nấm, vi khuẩn hoặc virus;
  • Cách xử lý: Không lạm dụng các dụng cụ hay mật ong tưa lưỡi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hỏi bác sĩ về những hoạt chất chống nấm để bôi cho con.

 

4.2. Rốn lồi

  • Triệu chứng: Có mô phình ra ở dưới rốn, rốn lồi khá rõ, không đau;
  • Nguyên nhân: Thoát vị rốn, gặp nhiều ở trẻ sinh non hoặc nhẹ cân;
  • Cách xử lý: Thường tự khỏi khi bé được 1 tuổi. Nếu bệnh nặng hơn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

 

4.3. Huyết tán

  • Triệu chứng: Vàng da, thiếu máu kéo dài;
  • Nguyên nhân: Không tương thích giữa nhóm máu của mẹ và thai nhi;
  • Điều trị: Chọc dò nước ối khi mang thai để phát hiện sớm. Nếu thấy các dấu hiệu của huyết tán, đưa trẻ đến bệnh viện để truyền máu và chữa càng sớm càng tốt.

 

4.4. Sụt cân tuần đầu sau sinh

  • Triệu chứng: Khoảng từ 7 - 10 ngày sau sinh, trẻ có thể bị giảm 6 - 10% trọng lượng dù được cho bú đầy đủ;
  • Nguyên nhân: Do mất nước qua da và đi tiêu tiểu nhiều;
  • Cách xử lý: Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ theo nhu cầu. Sau thời gian này, trẻ bắt đầu tăng cân rất nhanh, khoảng 1 - 1,2 kg/tháng nên không cần quá lo lắng.

 

4.5. Ngạt thở

  • Biểu hiện: Trẻ vừa ra đời không kịp lấy hơi thở hoặc thở không đều;
  • Nguyên nhân: Thiếu oxy, chấn thương nội sọ, miễn dịch không tương thích giữa mẹ và thai nhi, nhiễm trùng trong tử cung, tắc nghẽn đường hô hấp bào thai;
  • Điều trị: Trợ giúp y tế ngay lập tức.

 

4.6. Viêm mắt

  • Triệu chứng: Hai mi sưng, đỏ, chảy nước mắt, khó hoặc thậm chí không mở mắt được... thường gặp khi trẻ mới sinh vài ngày;
  • Nguyên nhân: Nhiễm khuẩn từ đường sinh dục của mẹ khi sinh (lậu, chlamydia...), hoặc từ trong bụng mẹ (vỡ ối sớm) hoặc do trẻ không được chăm sóc, vệ sinh tốt trong những ngày mới sinh;
  • Điều trị: Cần theo dõi, chăm sóc mắt và vệ sinh trẻ tốt. Nếu thấy có biểu hiện viêm kết mạc phải điều trị ngay tại bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến thị lực.

Một số tình trạng khác như trẻ sơ sinh rướn người, vặn mình, khóc nhiều,... cũng rất phổ biến.

Các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh thường là do sức đề kháng yếu, một số do di truyền. Cách tốt nhất để phát hiện và điều trị sớm là siêu âm đều đặn trong thai kỳ. Sau khi sinh, cần cho bé bú mẹ hoàn toàn tối thiểu 6 tháng đầu đời. Nếu mẹ có các vấn đề về sữa thì phải tìm đúng loại sữa thích hợp con.

Để phòng ngừa trẻ nhỏ mắc phải các bệnh lý mùa nắng nóng, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽmcrom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

BABY MOM WORLD - THẾ GIỚI CỦA MẸ VÀ BÉ


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng