Hướng dẫn bố mẹ và trẻ cách đánh răng theo từng độ tuổi
Thói quen đánh răng là một trong những thói quen sinh hoạt cơ bản hình thành khi trẻ còn nhỏ. Theo Hội nha khoa trẻ em Nhật Bản, “việc tự đánh răng” có 7 vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Mục đích và ý nghĩa của việc đánh răng
- Phòng ngừa sâu răng và các bệnh về răng lợi nhờ việc loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
- Cho bàn chải đánh răng vào miệng, để người khác sờ vào miệng sẽ giúp loại bỏ sự lo lắng hay khó chịu trong miệng.
- Hình thành thói quen sinh hoạt cứ ăn là phải đánh răng.
- Học cách cử động, phối hợp sử dụng tay và ngón tay.
- Nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trên gương để nhớ vị trí của mặt, mắt, miệng, giúp nuôi dưỡng về hình ảnh của cơ thể.
- Động tác cầm bàn chải, cho vào miệng giúp trẻ phát triển cảm giác trải nghiệm, sự phối hợp giữa tay và miệng.
- Trẻ nhận được lời khen và khuyến khích khi đánh răng sẽ giúp tăng sự tự tin cho trẻ.
Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc tạo thói quen đánh răng cho trẻ. Những lưu ý trong việc đánh răng sẽ thay đổi dần theo sự phát triển của trẻ và tiến trình mọc răng của trẻ. Hãy cùng xem thứ tự các lưu ý đó theo lứa tuổi của trẻ nhé.
Việc đánh răng ở từng độ tuổi
1. 0-1 tuổi (thời kỳ chuẩn bị đánh răng)
Ý nghĩa của việc đánh răng khi trẻ chưa mọc răng hoặc mới bắt đầu mọc răng là khi bố mẹ dùng ngón tay và khăn xô cho vào miệng giúp trẻ quen dần với việc trẻ cho tay vào miệng, trẻ dùng tay cầm đồ vật cho vào miệng. Niêm mạc miệng rất nhạy cảm nên ban đầu thường trẻ sẽ thể hiện sự từ chối khá mạnh, nhưng dần dần trẻ sẽ tiếp nhận. Không khí vui vẻ, chạm và véo nhẹ nhàng vào môi miệng và mũi má để kích thích, để trẻ quen với cảm giác được chạm vào quanh miệng, sau đó mát xa môi miệng và bên trong má bằng ngón tay.
Thực tế, việc bắt đầu kích thích trước khi đánh răng giúp tăng sự tiếp nhận việc đánh răng, làm cho trẻ có thể nhanh chóng thành thạo việc đánh răng. Hơn nữa, bố mẹ thường cho trẻ nằm nghiêng đánh răng, đây là tư thế khiến cho trẻ bất an vì nó không ổn định. Do đó, hãy tạo không khí vui vẻ vừa chạm vào đầu, mặt, quanh miệng, cho nằm lên đầu gối chơi như 1 trò chơi để trẻ cảm thấy vui vẻ.
Khi trẻ mọc răng trước thì dùng khăn xô bắt đầu nhẹ nhàng lau vết bẩn. Mặt ngoài răng trên và bên trong môi trên thường bị sót lại cặn sữa. Đây là vị trí nước bọt ít tiết ra để tự làm sạch nên cần chú ý hơn. Khi trẻ đã quen với việc bị chạm vào trong miệng thì bắt đầu dùng bàn chải đánh răng. Ban đầu thay vì mục đích làm sạch thì điều quan trọng là cho trẻ quen với cảm giác bàn chải chạm vào răng. Lúc chơi có thể chạm đầu bàn chải vào răng trước phía dưới, khi quen rồi thì nhẹ nhàng chải từng răng một.
Môi trên dễ bị cảm giác khó chịu, có thể trẻ sẽ dùng sức để từ chối. Hãy nhẹ nhàng, chậm rãi một tay cầm bàn chải một tay nhấc môi lên để nhìn thấy chân răng trước rồi chải răng. Dùng tay bảo vệ thắng môi trên để không bị chạm bàn chải vào đó vì khi chạm vào trẻ sẽ bị đau. Dùng thắng môi trên để chia trái phải rồi chải răng. Nếu trẻ không thích thì sẽ ngậm miệng lại, nếu cứ cố cho bàn chải vào thì sẽ đụng vào thắng môi trên và làm đau chứ không lấy được vết bẩn.
Hãy chọn riêng loại bàn chải trẻ tự cầm đánh răng và loại bố mẹ đánh giúp. Hãy ưu tiên tính an toàn cho loại bàn chải trẻ tự cầm đánh. Loại bố mẹ dùng thì chọn loại đầu nhỏ, phần tay cầm to vừa với cỡ tay người lớn để đánh răng lại.
2. 1-2 tuổi (thời kỳ tự lập và phản kháng)
Đây là thời kỳ răng cửa trên dưới đã mọc đủ, răng nanh và răng hàm đang mọc dần dần. Việc bố mẹ hay anh chị em đánh răng để trẻ quan sát thì trẻ sẽ nắm bắt một cách tích cực và muốn bắt chước. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cái tôi của trẻ đang lớn lên, cái gì cũng muốn tự làm, thể hiện từ chối đối với việc được hướng dẫn.
Có trẻ muốn tự mình đánh răng nhưng lại không có kỹ năng nên đánh không được. Việc không đánh được răng làm cho trẻ bị tổn thương, khiến trẻ ghét việc đánh răng. Bố mẹ đừng chỉ trích trẻ mà hãy khen những việc trẻ làm được thì dần dần trẻ sẽ tiến bộ và đạt được mục tiêu. Khi số răng tăng lên thì sẽ mất nhiều thời gian hơn, nên bố mẹ và trẻ hãy thay nhau đánh răng để trẻ không thấy chán. Nếu đánh răng sát giờ ngủ quá thì trẻ sẽ ngủ trong khi đánh răng hoặc trẻ buồn ngủ sẽ cáu gắt, nên hãy cho đánh răng sớm sau khi dọn dẹp sau bữa ăn.
Theo Caufield, thời điểm có đủ răng cửa ở trẻ là khoảng 19 tháng đến 31 tháng tuổi thì lúc này vi khuẩn sâu răng dễ bám vào răng, nhưng nếu ăn uống đồ ngọt có đường trước đó thì vẫn có thể bị sâu răng. Hầu hết sâu răng ở thời kỳ này xảy ra ở răng cửa trên. Nếu thức ăn mắc giữa 2 răng cửa thì có thể dùng chỉ nha khoa sẽ khá hiệu quả.
3. 3-4 tuổi (thời kỳ hình thành thói quen đánh răng)
Hãy tạo thói quen đánh răng cho trẻ sau khi ăn. Qua việc đọc những câu truyện tranh cho trẻ nghe, hãy nói cho trẻ hiểu sự quan trọng của việc đánh răng và việc hình thành sâu răng. Dần dần trẻ sẽ làm được những cử động tỉ mỉ nhưng lực nắm giữ đồ vẫn còn yếu nên hãy chọn loại bàn chải tay cầm to để trẻ có thể cầm chắc được.
Nhìn thì có vẻ như đánh được toàn bộ răng trong miệng rồi nhưng không thể chải sạch được hết mảng bám ở một số chỗ. Dùng lưỡi chạm vào bề mặt răng xem có còn mảng bám không, cảm giác trơn hay ráp, rồi dần trẻ sẽ tiến bộ hơn khi cảm nhận được cảm giác trơn trơn khi đánh sạch răng. Kể cả khi thấy là trẻ đã tự làm được nhưng phần đánh lại răng vẫn rất cần thiết. Hãy đánh kỹ mặt ngoài răng hàm trên và mặt trong răng hàm dưới vì kể cả người lớn cũng khó đánh sạch được phần này. Khi cố há to miệng thì phần má lại che mất mặt ngoài răng hàm nên khó đánh, khi đó hãy cắn răng hàm lại thì sẽ tốt hơn. Có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng hàm.
4. Tự đánh răng
Có nhiều bố mẹ không đánh lại răng cho trẻ khi trẻ vào cấp 1, nhưng đây cũng là thời điểm mọc răng số 6 (răng hàm lớn). Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tự đánh sạch cho tới khi răng mọc xong. Ngoài ra, răng bắt đầu mọc thì sức đề kháng đối với sâu răng cũng yếu nên hãy đánh lại răng cho trẻ tới khi trẻ học cấp 2.
Trên đây là một số hướng dẫn về việc đánh răng cho trẻ theo từng độ tuổi. Mẹ hãy áp dụng hướng dẫn phù hợp với tháng tuổi của bé nhà mình nhé.
BABY MOM WORLD - THẾ GIỚI CỦA MẸ VÀ BÉ
- Địa chỉ: 102/37/13 Bình Long, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP HCM
- Hotline: 089.8877.688
- Email: babymomworldvn@gmail.com
- Fanpage: https://www.facebook.com/tasuamevabevn
Xem thêm